Trò chơi dân gian, còn đó ký ức xưa của người Việt

Những trò chơi dân dã từ ngàn năm

Trò chơi dân gian được xem là một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng văn hóa truyền thống của người Việt. Trò chơi có từ thời xa xưa và khó để có thể xác định được khoảng thời gian mà trò chơi ra đời cụ thể. Trò chơi dân gian cũng được xem là một “sản phẩm” tinh thần của ông cha ta để lại và được xuất phát từ quá trình lao động, văn hóa, phong tục và được truyền tay, truyền miệng từ đời này sang đời khác. Ngoài ra, trò chơi dân gian cũng mang đậm một dấu ấn lịch sử, văn hóa và chúng được ra đời nhằm mục đích nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của những người nông dân ở nước ta.

Trò chơi dân gian đẹp như cổ tích trong ký ức của nhiều thế hệ. (Ảnh minh họa)

Trò chơi dân gian đẹp như cổ tích trong ký ức của nhiều thế hệ. (Ảnh minh họa)

Cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ” của Ngô Quý Sơn là tác phẩm đầu tiên viết về trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ vào đầu thế kỷ 20, khi xã hội truyền thống của người Việt bắt đầu có sự chuyển biến dưới tác động của chính sách cai trị của thực dân Pháp.

Đây là nguồn tư liệu gốc, chân xác về trò chơi của trẻ em, mà phần lớn các trò chơi đó đến nay không còn; nhiều trò chơi bị mất từ rất lâu. Chính nhờ những trò chơi thôn dã như đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê… mà ta hiểu rõ hơn tính chất các hoạt động của thiếu niên An Nam. Đây là một dự án nghiên cứu văn hóa của Nhã Nam.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Long, Ngô Quý Sơn là thành viên thực thụ của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương, thành lập năm 1937. Năm 1943, ông cho ra mắt “Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ” lần đầu bằng tiếng Pháp trên tập san của Viện.

Các tài liệu đi kèm trong cuốn sách được Ngô Quý Sơn thu thập vào các năm 1940 và 1941 tại một số làng ở Bắc kỳ. Phần đa trò chơi được ông quan sát trực tiếp tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây. Thông tin về trò chơi ở các địa phương khác được cung cấp bởi những người đưa tin là dân gốc tại đó, sống tạm trú ở Hà Nội.

Với quan niệm “các trò chơi của trẻ em xứng đáng được tìm hiểu không kém bất cứ biểu hiện xã hội nào khác của một dân tộc”, ông Ngô Quý Sơn đã viết “Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ” một cách cẩn trọng, mô tả tỉ mỉ về các trò chơi, bài vè, ngạn ngữ… Điều quan trọng là ông đã rất chịu khó cung cấp nhiều phiên bản khác nhau của một trò chơi theo đúng tinh thần dân tộc học. Ví dụ, trò hú tim với bài đồng dao Chi chi chành chành/Cái đanh thổi lửa…, tác giả còn giới thiệu thêm một phiên bản khác ở Hà Đông; hoặc trò đánh đu, ngoài phiên bản chơi vào mỗi dịp Tết ở Sơn Tây và Bắc Ninh, tác giả cũng giới thiệu thêm phiên bản ở Khuôn Sơn với những sự khác biệt…

See also  Cách chơi ô ăn quan đơn giản toàn thắng cho trẻ em Việt Nam

“Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ” là một tuyển tập, dù đã cố gắng tập hợp tư liệu nhưng những thiếu sót là điều khó tránh khỏi, điều này đã được học giả Nguyễn Văn Tố chỉ ra và bổ sung các trò đấu dế, đấu cá săn sắt… Ông Ngô Quý Sơn cũng nhìn thấy hạn chế của mình và cuốn sách, và coi đó “là cơ hội để thúc đẩy những nghiên cứu sâu hơn nữa tại tất cả các làng”.

Theo thời gian, cùng với những biến động xã hội và không gian văn hóa, các trò chơi ngày càng biến mất, bị lãng quên, hoặc bị cải biến, hoặc bị thay thế bởi các trò chơi du nhập từ bên ngoài… mà một số trò chơi được nhắc đến trong sách đã trở nên xa lạ với một bộ phận người Việt hiện nay hoặc ít được thực hành. Phần lớn các trò chơi đó đến nay không còn; nhiều trò chơi bị mất từ rất lâu. Tác giả đưa ra hệ thống về 11 loại trò liên quan đến cơ thể, dùng que, dùng sỏi, đánh đáo, chơi diều, các bài đồng dao…

Dưới triều Lê Thái Tôn (1433-1442), một văn sĩ có tên Trịnh Thiết Tường từng yêu thích một món đồ chơi rất lạ khi ông còn nhỏ. Ông dùng đất sét nặn một con voi với cái mũi là con đỉa còn sống và hai tai là hai con bướm cũng còn sống.

Khi Đinh Bộ Lĩnh, người sau này trở thành hoàng đế sáng lập triều Đinh (968-979), còn đi chăn trâu trên đồng, ông được bạn bè khênh trên một cái “đài” tự chế bằng cách đan cánh tay vào nhau. Để che nắng cho ông, đám bạn dùng những phiến lá rộng làm lọng. Trước và sau ông là hai dãy dài trẻ em sắp hàng thẳng thớm cầm hoa lau có hình dáng giống cờ đuôi nheo. Một nhóm trẻ đóng vai nhạc công khua khoắng ầm ĩ những âm thanh mà thuở nhỏ người ta vẫn thích. Ai nấy bước đi chậm rãi, nhất nhất theo hàng và rất mực điềm tĩnh.

See also  Top 100 trò chơi dân gian Việt Nam phổ biến cho các mẹ tham khảo

Tương tự, khi vị vua thứ hai nhà tiền Lý là Lý Phật Mã (1028-1054) còn nhỏ, ông thường bắt đám bạn bước đi trước và sau mình như thể ông là vị vua thực thụ được đoàn tùy tùng hộ tống.

Hay các bài vè miệng như ru em, đồng dao, bắt nạt hay giễu nhại mới đặc biệt mang lại một kho thông tin dồi dào. Điển hình là bài đồng dao Chi chi chành chành nổi tiếng, được cho là nói về cuộc chạy trốn của vua Hàm Nghi vào tháng Bảy năm 1885. Hay có nơi tin rằng nó còn là lời tiên tri xưa dự đoán tương lai xứ An Nam khi triều Lê sụp đổ. Hay trong bài đồng dao về con tò vò có nhắc đến một cụm từ thường được người An Nam sử dụng:

Tò vò mày nuôi con nhện,

Đến khi nó nhớn, nó quện nhau đi.

Trong câu này, “tò vò nuôi nhện” là cụm từ được người An Nam dùng để nói về việc nhọc công vô ích…

Cần có chính sách bảo tồn các trò chơi dân gian

Trẻ em Việt Nam thuở xưa, trong các làng xã Bắc Bộ, là một cộng đồng thu hẹp, các làng đều tương đối giống nhau về cấu trúc xã hội và sản xuất nông nghiệp, nhưng khá khác nhau về tập tục. Trẻ em ít khi đi ra khỏi làng mình, mà được gia đình và làng xã bao bọc. Một số ít học nghề, một số ít học chữ, còn lại sớm tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình và cuối cùng trở thành nông dân như cha ông.

Trong làng, trẻ em chơi với nhau hằng ngày theo từng ngõ xóm, vào dịp lễ, Tết hội làng, chúng có thể tham gia những trò chơi chung. Tuy vậy, các trò chơi của trẻ em, hầu như ở Bắc Bộ, đều tương đối thống nhất, mặc dù chẳng có sự học hỏi tham khảo nào. Dường như trò chơi tồn tại cùng cuộc đời của chúng, có sẵn trong làng xã theo những trò nhất định, không quá nhiều, cũng không quá ít và tăng dần độ khó theo tuổi tác. Thông thường, độ tuổi chơi của trẻ em nông thôn cũng chỉ từ lên bốn đến mười.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn là cơ sở khoa học đáng tin cậy để phục hồi, truyền bá và phát triển các trò chơi dân gian đã vắng bóng ở trường học, các vùng nông thôn và một số vùng đô thị.

See also  Những kiểu chơi bài phổ biến nhất hai miền Nam-Bắc

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Giang Linh cũng đặc biệt bày tỏ sự xúc động khi đọc cuốn sách cô được gặp lại một số trò chơi ấu thơ như: chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, thả đỉa ba ba, xỉa cá mè…

Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn cho rằng, nếu chỉ thoạt nhìn thì cảm thấy các trò chơi được mô tả đơn giản song ông đặc biệt ấn tượng và không khỏi giật mình về việc tác giả phân loại trò chơi. Cụ thể, trong cuốn sách, tác giả Ngô Quý Sơn đã hệ thống và phân loại một cách chi tiết về trò chơi của trẻ em, gồm: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, các trò chơi dùng que, các trò chơi dùng sỏi, đánh đáo, chơi diều, các trò chơi may rủi và tìm kiếm, các trò giải trí khác, các trò ma thuật, các trò dùng lời nói, những trò ức hiếp giễu nhại.

“Không ít trò chơi được tác giả Ngô Quý Sơn mô tả trong cuốn sách giờ đã không còn như: Giã gạo, mít mật – mít dai, quay cuống, giần con sàng, giàn mướp, đánh đinh, đánh bò… Vì vậy, từ đây có thể gợi ý cho việc phục hồi và xây dựng các trò chơi phù hợp với thời nay”, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn nhận định.

Không ít ý kiến cho rằng, ngành văn hóa cần tiến hành nhanh chóng việc tổng điều tra hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc, trong đó có việc điều tra, thống kê các trò chơi dân gian tiêu biểu của từng vùng, miền. Và có những chính sách bảo tồn, phát triển và đưa trò chơi dân gian vào trong đời sống hàng ngày của người dân.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường, thầy, cô giáo, đoàn thể, phụ huynh… trong việc đưa trò chơi dân gian vào cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, chúng ta cũng có thể đưa trò chơi dân gian dành cho người lớn vào những dịp lễ hội… Và để các trò chơi dân gian được “đánh thức”, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của trò chơi dân gian, trọng đãi nghệ nhân, có chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển trò chơi dân gian trong chiến lược phát triển du lịch của từng vùng, miền trong cả nước… Và như thế, trò chơi dân gian không chỉ là niềm hoài nhớ trong ký ức của rất nhiều người…

Leave a Comment